Đường Chu Văn An, KP Bình Đường 2, P.An Bình,TP. Dĩ An, Bình Dương
Chân dung đồng chí Nguyễn An Ninh (Nguồn: Ảnh tư liệu)
(Thanhuytphcm.vn) - Nguyễn An Ninh sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho yêu nước tại Hóc Môn - Gia Định[1]. Cha và chú của Nguyễn An Ninh là cụ Nguyễn An Khương và Nguyễn An Cư đều là hai nhà Nho, nhà văn danh tiếng, bạn của nhiều chí sĩ yêu nước lớn và hành nghề thuốc Đông y có tiếng ở Sài Gòn - Gia Định xưa. Thân mẫu của ông là cụ Trương Thị Ngự - con một gia đình giàu có, danh giá ở Chợ Lớn thời đầu thế kỷ XX. Cụ Trương Thị Ngự sau này được Nhà nước phong tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng. Còn ở Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh có con đường mang tên cha ông là Nguyễn An Khương.
Thuở thiếu thời, Nguyễn An Ninh học rất giỏi - xem như thần đồng ở tất cả các cấp học. Ông được cha dạy chữ Hán trước khi cắp sách đến trường. Năm 1910, ông học tiểu học ở Trường dòng Taberd, sau đó học trung học ở Trường Chasseloup-Laubat (nay là Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn) tại Sài Gòn, tốt nghiệp hạng ưu năm 1916.
Được miễn chuẩn bằng tú tài, ông ra Hà Nội học Cao đẳng Y - Dược Đông Dương. Học được nửa năm ông nhận ra y dược không phải là sở nguyện của mình nên xin chuyển sang học luật tại Trường Cao đẳng Pháp chính thuộc Đại học Đông Dương.
Năm 1918, ông bỏ học sang Pháp, thi đỗ vào khoa Luật của Đại học Sorbonne, Paris. Đây là ngôi trường danh tiếng của nước Pháp, đào tạo ra các chính khách, các nhà khoa học và văn hóa lớn. Ở tuổi 20, sau hai năm học tập, ông đã hoàn thành chương trình học 4 năm và được cấp bằng Cử nhân Luật hạng xuất sắc, gây chấn động đương thời.
Những năm học tập trên đất Pháp, Nguyễn An Ninh đã nghiên cứu Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền rồi chuyển sang nghiên cứu Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, có khuynh hướng mácxít. Cha ông là bạn thân của cụ Phan Châu Trinh cho nên những năm sống trên đất Pháp, Nguyễn An Ninh sống và hoạt động cùng cụ Phan, thân thiết với nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, Tiến sĩ Luật Phan Văn Trường, Kỹ sư Hóa học, Cử nhân Triết học Nguyễn Thế Truyền hợp thành “Ngũ Long An Nam” trên đất Pháp.
Khi học ở Đại học Sorbonne ông may mắn gặp được người thầy đáng kính trọng là Giáo sư Marcel Cachin, một học giả, một nhà cách mạng của nước Pháp và là lãnh tụ của Đảng Cộng sản Pháp, luôn tìm cách giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn An Ninh, hướng dẫn Nguyễn An Ninh vào con đường cách mạng.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tháng 5 năm 1920, ông trở lại Sài Gòn để làm lễ đính hôn do gia đình hai bên sắp đặt. Tháng 7 năm 1920, ông quay lại Pháp làm nghiên cứu sinh ngành Luật với đề tài luận án Tính dân chủ ở các làng xã Việt Nam. Năm 1922, ông đã hoàn thành luận án tiến sĩ nhưng chưa vội bảo vệ để có thể đi lại giữa Sài Gòn và Paris. Là người bạn vong niên thân thiết của Nguyễn Ái Quốc, ông tham gia Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, cùng Nguyễn Thế Truyền viết bài cho báo Le Paria (Người cùng khổ) do Nguyễn Ái Quốc làm chủ bút.
Tháng 10 năm 1922, Nguyễn An Ninh xuống tàu trở lại Sài Gòn để hoạt động cách mạng, thức tỉnh đồng bào. Được chính quyền thực dân mời cộng tác nhưng ông từ chối. Tối ngày 25 tháng 1 năm 1923, ông ra mắt công chúng Sài Gòn tại Hội Khuyến học Nam Kỳ, số 34 đường Aviateur Roland Garros (nay là đường Thủ Khoa Huân), với bài diễn thuyết làm nức lòng 3.000 người nghe nhan đề Chung đúc một nền học thức cho dân An Nam làm chấn động Nam Kỳ thời đó.
Tháng 2 năm 1923, ông trở lại Paris gặp Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn Thế Truyền để thống nhất hành động. Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở nước ngoài, còn Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền về nước tổ chức phong trào, chờ thời cơ để đón Nguyễn Ái Quốc về nước lãnh đạo cách mạng. Tháng 8 năm 1923, Nguyễn An Ninh về Sài Gòn tổ chức phong trào chờ Nguyễn Ái Quốc trở về.
Giữa tháng 10 năm 1923, ông diễn thuyết lần thứ hai với bài Lý tưởng của thanh niên An Nam hay còn gọi là Thanh niên cao vọng. Cả hai bài diễn thuyết này ông đều cực lực lên án chế độ thực dân, kêu gọi đồng bào, nhất là thanh niên tìm đường cứu dân tộc, xây dựng một nền văn hóa mới tự do cho đất nước. Ông trở thành thủ lĩnh tinh thần của thanh niên Nam Bộ thời đó. Mật thám chính quốc và mật thám Nam Kỳ theo dõi chặt chẽ hoạt động yêu nước của Nguyễn An Ninh. Sau bài diễn thuyết này Thống đốc Nam Kỳ Cognacq đã gọi Nguyễn An Ninh lên Dinh Thống đốc cảnh cáo và ra lệnh cấm không cho ông diễn thuyết.
Nguyễn An Ninh năm 20 tuổi, vừa đỗ cử nhân Luật tại Paris (Nguồn: Ảnh gia đình cung cấp).
Sau cuộc gặp gỡ với Thống đốc Nam Kỳ, ngày 10 tháng 12 năm 1923, báo Tiếng chuông rè (La Cloche Fêlée) số đầu tiên ra mắt ở Sài Gòn do ông sáng lập, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, tự viết bài, tự biên tập, in ấn và tự đi bán báo. Tờ báo đã gióng lên tiếng chuông thức tỉnh đồng bào và lột trần bản chất của chế độ thuộc địa ở Nam Kỳ. Bị chính quyền thuộc địa o ép, sau khi xuất bản 19 số thì ngày 14 tháng 7 năm 1924, Tiếng chuông rè phải tạm đình bản.
Tháng 1 năm 1925, Nguyễn An Ninh xuống tàu sang Paris để đón cụ Phan Châu Trinh. Trong chuyến đi này, ông đã cho xuất bản tác phẩm Nước Pháp ở Đông Dương cùng chủ đề với tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc in ấn và phát hành cùng thời gian ở Paris gây ra tiếng vang lớn. Tạp chí Europe (Châu Âu) đã đăng lại toàn văn tác phẩm của Nguyễn An Ninh, nhưng ở Đông Dương tác phẩm bị cấm lưu hành. Trong thời gian ở Paris, Nguyễn An Ninh diễn thuyết tại Hội quán Sociétés Savantes (Hội bác học), tuyên bố: “Tôi không phải cộng sản, không xuất thân từ giai cấp vô sản, nhưng tôi tán thành những nguyên lý cộng sản”.
Sau khi về nước lần này, ông cùng Phan Văn Hùm - một người bạn thân thiết xuống Mỹ Tho ra mắt ẩn sĩ Mai Văn Ngọc để thành lập Thanh niên cao vọng Đảng, một tổ chức quần chúng yêu nước hoạt động theo nguyên tắc hội kín ở Nam Kỳ mà nhiều người còn gọi là Hội kín Nguyễn An Ninh, có hàng ngàn hội viên tham gia.
Ngày 26 tháng 11 năm 1925, sau khi Luật sư Phan Văn Trường về nước, Nguyễn An Ninh tiếp tục xuất bản báo Tiếng chuông rè số 20, số lượng tới 5.000 bản. Vừa làm báo, Nguyễn An Ninh vừa vận động quần chúng, tiếp tục tổ chức lớp trẻ vào Thanh niên cao vọng Đảng làm lực lượng nòng cốt cho phong trào cách mạng, tiếp tục tổ chức diễn thuyết ở nhiều nơi, khắp các tỉnh Nam Kỳ. Ngày 21 tháng 3 năm 1926, ông diễn thuyết trước 3.000 người thì bị chính quyền giải tán và ngày 24 tháng 3 năm 1920 ông bị mật thám bắt giam.
Mặc dù ở trong tù, nhưng theo kế hoạch của Nguyễn An Ninh, ngày 29 tháng 3 năm 1926 báo Tiếng chuông rè của ông đăng tải Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do Mác và Ăngghen soạn thảo (từ số 53 đến số 60). Ngày 23 tháng 4 năm 1926, tòa án Pháp kết tội ông xúi giục dân chúng làm loạn với mức án 2 năm tù, sau rút xuống còn 18 tháng, nhưng đến ngày 7 tháng 1 năm 1927, sau khi ông ở tù gần 10 tháng thì được trả tự do. Báo Tiếng chuông rè kết thúc vai trò lịch sử ở số 62, để từ ngày 3 tháng 5 năm 1926 đổi tên thành báo L’Annam (Nước Nam) mở đầu bằng số 63 kéo dài đến ngày 2 tháng 2 năm 1928, xuất bản tổng cộng được 182 số thì đình bản.
Ngày 8 tháng 8 năm 1927, Nguyễn An Ninh đi Pháp lần thứ năm với mục đích tìm gặp Nguyễn Ái Quốc, nhờ Đảng Cộng sản Pháp và bạn bè Pháp giúp đỡ phong trào yêu nước ở Đông Dương, dự trại hè sinh viên Việt Nam tại Pháp và đón người bạn thân thiết Nguyễn Thế Truyền về nước để cùng mưu việc lớn.
Ngày 6 tháng 1 năm 1928, Nguyễn An Ninh cùng gia đình Nguyễn Thế Truyền về đến Sài Gòn, đây là lần cuối cùng ông sang đất Pháp để rồi từ đây ông chuyên tâm vào việc viết báo, viết sách và tổ chức phong trào yêu nước tại Nam Kỳ. Từ tháng 2 đến tháng 8 năm 1928, ông cùng người bạn thân Phan Văn Hùm đi khắp các tỉnh Nam Kỳ để thu nạp những người tích cực vào Thanh niên cao vọng Đảng. Năm 1928, Thanh niên cao vọng Đảng đã có tới 7.000 hội viên, và ở vùng Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định đã bắt đầu xuất hiện tổ chức Đảng Thanh niên An Nam và Đảng Cộng sản Nguyễn An Ninh.
Trước sự phát triển của phong trào hội kín, thực dân Pháp đã tổ chức truy bắt ông, ngày 8 tháng 5 năm 1929, Tòa tiểu hình Sài Gòn kết án ông 3 năm tù giam, 5 năm mất quyền công dân, phạt 1.000 quan tiền vì tội chủ mưu lập hội kín. Ông chống án nhưng ngày 17 tháng 7 năm 1929, Tòa đại hình tuyên y án sơ thẩm. Nhiều thành viên và cơ sở của Thanh niên cao vọng Đảng bị bắt, bị đánh vỡ.
Nguyễn An Ninh (bìa trái) và Nguyễn Thế Truyền (bìa phải) năm 1927 tại Pháp (Nguồn: Ảnh gia đình cung cấp).
Trong 3 năm chịu án tại Khám Lớn Sài Gòn, Nguyễn An Ninh bị giam chung với đồng chí Phạm Văn Đồng từ tháng 7 năm 1929 đến tháng 6 năm 1930. Hai ông thường xuyên trao đổi về con đường cứu nước, về chủ nghĩa Mác - Lênin. Tuy ở tù nhưng nhờ uy tín của mình, Nguyễn An Ninh đã tổ chức được đường dây bí mật từ nhà tù với bên ngoài, giúp ích rất lớn cho các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản và Xứ ủy Nam Kỳ với bên ngoài. Ngày 3 tháng 10 năm 1931, Nguyễn An Ninh được trả tự do, nhận viết bài cho báo Trung lập của Nguyễn Văn Tạo và có nhiều hoạt động rất có ý nghĩa.
Từ năm 1932 đến năm 1935, ông cùng Nguyễn Văn Trân giả dạng đi bán dầu cù là khắp các tỉnh Nam Kỳ để lần lượt bàn giao lực lượng Thanh niên cao vọng Đảng cho tổ chức cộng sản để có thể tuyển chọn, kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Tháng 8 năm 1933, khi Paul Vaillant Couturier - Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp đi dự Hội nghị quốc tế bảo vệ hòa bình từ Thượng Hải về Sài Gòn, Nguyễn An Ninh tổ chức tiếp đón, cung cấp cho phái đoàn tình hình thực tế chính quyền thuộc địa ở Đông Dương đàn áp phong trào cách mạng, đàn áp khốc liệt những người cộng sản. Vì vậy, Đảng Cộng sản Pháp báo cáo với Quốc tế Cộng sản giúp đỡ Đảng Cộng sản Đông Dương. Đầu năm 1934, nghị sĩ Đảng Cộng sản Pháp Gabriel Péri dẫn đầu phái đoàn Quốc tế cứu tế đỏ sang Sài Gòn, Nguyễn An Ninh đã hướng dẫn phái đoàn đi khắp Sài Gòn điều tra đời sống thợ thuyền, tình hình tù chính trị tại Khám Lớn mà ông từng hai lần bị lưu đày. Thông qua ông, phái đoàn đã bí mật chuyển tiền và tài liệu của Quốc tế Cộng sản cho Đảng Cộng sản Đông Dương.
Tháng 6 năm 1936, tại Pháp, Chính phủ Bình dân được thành lập sau thắng lợi vang dội của Mặt trận Bình dân Pháp. Lúc này ở Đông Dương, sau những đợt khủng bố nặng nề, Đảng Cộng sản Đông Dương chưa kịp phục hồi và chưa có chủ trương cụ thể, thì Nguyễn An Ninh đã nhạy bén đề xuất với Xứ ủy Nam Kỳ mà ông có mối quan hệ mật thiết triệu tập Đông Dương đại hội.
Ngày 29 tháng 7 năm 1936, trên báo La Lutte số 92, Nguyễn An Ninh cho đăng bài Tiến tới một Đại hội Đông Dương và ngày 05 tháng 8 năm 1936, ông cho đăng tiếp bài Hãy bắt tay vào Đại hội Đông Dương trên báo La Lutte số 93 đã thổi bùng lên phong trào cách mạng quần chúng rất sôi nổi. Theo thỏa thuận của ông với các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy Nam Kỳ, sau khi báo đăng lời kêu gọi thì các cấp ủy địa phương đồng loạt lập các Ủy ban hành động đấu tranh công khai do Đảng lãnh đạo. Chỉ trong một thời gian ngắn đã có 600 Ủy ban hành động ra đời mà Nguyễn An Ninh như một hạt nhân nòng cốt, một ngọn cờ để hiệu triệu quần chúng. Đông Dương đại hội trở thành cao trào cách mạng của quần chúng những năm 1936 - 1939.
Ngày 28 tháng 9 năm 1936, Nguyễn An Ninh bị địch bắt giam ở Khám Lớn Sài Gòn lần thứ ba. Sau đó trong nhóm của báo La Lutte còn có Tạ Thu Thâu và Nguyễn Văn Tạo cũng bị địch bắt. Trong tù các ông tuyệt thực phản đối và trước sức ép đấu tranh của quần chúng, ngày 5 tháng 11 năm 1936, ba ông được trả tự do. Tuy không phải đảng viên cộng sản nhưng ông thân thiết và là chỗ dựa tin cậy của những người cộng sản Nam Kỳ. Với tư cách một trí thức yêu nước lớn, một lãnh tụ tinh thần của quần chúng, Nguyễn An Ninh đứng hẳn về phái những người cộng sản, phê phán quyết liệt những phần tử cơ hội troskit và nhóm lập hiến.
Đầu tháng 5 năm 1937, Nguyễn An Ninh cùng Nguyễn Văn Nguyễn xuống các tỉnh miền Tây để vận động tài chính ủng hộ Đảng Cộng sản xuất bản báo L’Avant-Garde, và ngày 07 tháng 5 năm 1937 hai ông có mặt ở Càng Long - Trà Vinh khi ở đó Đảng bộ Trà Vinh tổ chức biểu tình nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5. Nhân dịp này chính quyền thuộc địa vu cáo, kết tội hai ông xúi giục quần chúng biểu tình phá rối trị an, cho nên chúng truy nã Nguyễn An Ninh trong toàn xứ Nam Kỳ và thông báo cho cả Bắc Kỳ, Trung Kỳ.
Ngày 5 tháng 9 năm 1937 kẻ địch bắt được ông tại nhà cụ Hội đồng Võ Công Tồn ở Bến Lức - Long An. Tòa án thực dân kết án ông 5 năm tù giam và 10 năm biệt xứ, ông chống án, chúng rút xuống còn 2 năm tù giam và 5 năm biệt xứ. Ngày 18 tháng 2 năm 1939, ông mãn hạn tù, đưa cả gia đình về sống ở Mỹ Tho, cạnh Đông Phương thư xã - cơ quan của Xứ ủy Nam Kỳ, theo lệnh biệt xứ khỏi Sài Gòn.
Bìa sách Hội kín Nguyễn An Ninh. (Nguồn: Ảnh tư liệu).
Tháng 4 năm 1939, ông đứng tên vào Sổ Dân chúng (báo Dân chúng) ra ứng cử vào Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ.
Tháng 9 năm 1939, khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, chính quyền thuộc địa ở Đông Dương siết chặt ách thống trị tàn bạo, truy lùng những chiến sĩ yêu nước và cách mạng. Vì vậy, ngày 4 tháng 10 năm 1939, thực dân Pháp bắt lại ông, bí mật kết án ông 5 năm tù giam và 10 năm biệt xứ vì tội gây rối trị an. Ngay sau đó, ngày 10 tháng 12 năm 1940, chúng đã đày ông ra Côn Đảo.
Tháng 9 năm 1940, sau khi Nhật đánh chiếm Đông Dương, chúng đã hai lần cử người ra Côn Đảo gặp gỡ thuyết phục đón Nguyễn An Ninh về lập Chính phủ thân Nhật, mặc dù đang bệnh nặng ông đã khẳng khái từ chối. Không trực tiếp lay chuyển được ông cộng tác, tháng 7 và tháng 8 năm 1943, phát xít Nhật hai lần cho người đến gặp vợ Nguyễn An Ninh thuyết phục bà ra Côn Đảo mời ông về lập Chính phủ thân Nhật nhưng bà cũng từ chối.
Dưới chế độ hà khắc của địa ngục trần gian Côn Đảo, lại bị bệnh nặng, ông hy sinh ngày 14 tháng 8 năm 1943 khi mới 43 tuổi đời và trước Cách mạng tháng Tám 1945 thành công hai năm.
Từ một trí thức được đào tạo công phu, Nguyễn An Ninh trở thành một chiến sĩ cách mạng có tầm ảnh hưởng sâu rộng suốt hai thập kỷ (1923 - 1943) của phong trào yêu nước - nhất là ở Nam Bộ. Ông là nhà văn hóa, nhà báo, nhà tư tưởng lớn của nước ta hồi đầu thế kỷ XX. Có thể nói ông là một trí thức tiêu biểu, dấn thân, xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc thời cận đại.
Ông mất đi nhưng để lại một di sản lớn. Những tác phẩm tiêu biểu của ông gồm có: Cao vọng của thanh niên An Nam (1923); Dân ước (dịch những đoạn chính trong tác phẩm Khế ước xã hội của J. J. Rousseau (1923); Nước Pháp ở Đông Dương (1925); Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của Mác - Ăngghen, tổ chức dịch và cho đăng báo Tiếng chuông rè năm 1926; Hai Bà Trưng, tuồng hát (1928); Tôn giáo (1932); Phê bình Phật giáo (1937); Nguyễn An Ninh - Tác phẩm (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Nxb. Văn học, 2009)…
Để ghi nhận những cống hiến và sự hy sinh to lớn của ông và gia đình ông cho đất nước, ngày 1 tháng 8 năm 1980, Nhà nước ta truy tặng ông là liệt sĩ, sau đó, thân mẫu của ông là cụ Trương Thị Ngự được truy tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Tại phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh có ngôi đền tưởng niệm Nguyễn An Ninh trên khuôn viên 3.000 m2 rất khang trang.
Từ Thủ đô Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh và hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước có nhiều trường học, đường phố mang tên Nguyễn An Ninh.
Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng
Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM
______________________
[1] Có tài liệu thể hiện đồng chí Nguyễn An Ninh quê ở Cần Giuộc (Long An).
https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/dong-chi-nguyen-an-ninh-nha-van-hoa-va-tu-tuong-lon-cua-nuoc-ta-dau-the-ky-xx-1491884290